Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Thế giới có thể đối mặt với siêu bão” tài chính mới

Vàng lập kỷ lục giá mới, chứng khoán rơi thẳng đứng, xăng dầu vuột giá mạnh, nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn là những gì đã xảy ra trong phiên giao dịch đêm qua (18/8). Liệu kinh tế thế giới đang đứng trước một nguy cơ trượt dốc mới?
 
Đêm 18/8, giá vàng lập kỷ lục mới, chứng khoán rơi thẳng đứng, xăng dầu vuột giá mạnh.
 
Hôm qua, chốt phiên chứng khoán Mỹ, chỉ số Nasdaq đóng cửa với mức giảm hơn 5%, chỉ số S&P 500 mất hơn 4% và chỉ số Dow Jones giảm hơn 3%. Như vậy, phiên 18/8 đã đánh dấu ngày giao dịch thứ 6 chỉ số S&P 500 biến động lên xuống hơn 4% trong vòng 2 tuần qua. 
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 419,63 điểm, tương ứng 3,68%, xuống còn 10.990,58 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 53,24 điểm, tương ứng 4,46%, xuống 1.140,65 điểm. Chỉ số Nasdaq tuột 131,05 điểm, tương ứng 5,22%, xuống 2.380,43 điểm. 
Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn Phố Wall nhảy vọt 38% lên 43,56 điểm. Khối lượng giao dịch tăng trưởng bùng nổ, với 11,4 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq. Đây là khối lượng giao dịch lớn nhất trong tuần này. 
Trên thị trường dầu mỏ, chốt phiên đêm qua trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt, nhẹ hợp đồng tháng 9 giảm 5,2 USD, tương ứng 5,9%, xuống 82,38 USD/thùng. Mức thấp nhất trong ngày của dầu hợp đồng này là 81,86 USD/thùng. 
Cùng đổ dốc với dầu thô còn có xăng và dầu sưởi. Giá xăng hợp đồng tháng 9 giảm mạnh 9 xu Mỹ, tương ứng 3%, xuống 2,78 USD/gallon (một gallon tương đương với 3,78 lít). Dầu sưởi giao tháng 9 cũng giảm 9 xu Mỹ, tương ứng 2,9%, xuống 2,87 USD/gallon. 
Đứng trước sự sụt giảm mạnh của chứng khoán, dầu thô, các nhà đầu tư lại đổ xô mua vàng tích trữ và đẩy giá mặt hàng kim loại này lên mức cao kỷ lục mới. Chốt phiên 18/8, giá vàng tương lai giao tháng 12 đã tăng 29,6 USD lên 1.823,4 USD/oz. Trong phiên, có lúc vàng loại này lập kỷ lục 1.830 USD/oz. 
Giá vàng giao ngay cũng tăng mạnh, 1,9% lên 1.822,3 USD/oz. Giá vàng giao ngay lập đỉnh cao nhất mọi thời đại ngay từ đầu phiên giao dịch ở vùng 1.825,99 USD/oz. Tính tới 7h56 sáng nay (19/8, theo giờ Việt Nam), vàng giao ngay tiếp tục tăng lên 1.834,20 USD/ounce. 
Hồi đầu tuần trước, khi các thị trường hàng hóa biến động dữ dội xuất phát từ việc tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's hạ bậc tín dụng cao nhất của Mỹ từ AAA xuống AA+, gây ra những lo sợ về triển vọng của nền kinh tế đầu tàu. 
Phiên hôm qua, những lo sợ đó về cơ bản đã trở thành hiện thực, khi một loạt báo cáo công bố trong ngày đều nhuốm màu u ám. Richard Weiss, chuyên gia tiền tệ cao cấp của hãng đầu tư American Century ở California cho biết, những số liệu mới nhất đã làm thay đổi quan niệm của giới đầu tư về triển vọng kinh tế Mỹ. 
Nói một cách khác, thị trường đang đối mặt với một cơn hoảng loạn mới về khả năng nền kinh tế đầu tàu rơi vào một cuộc suy thoái khác. Nhà đầu tư sẽ lại chọn vàng làm "cảng" trú chân cho an toàn và những dự báo về mức giá đỉnh của vàng có thể sẽ còn được nâng lên. 
Hội đồng Vàng Thế giới dự báo, nhu cầu vàng mặc dù giảm trong quý 2 vừa qua, nhưng vẫn tăng nếu tính chung toàn năm 2011, trong bối cảnh khách mua châu Á vẫn tiếp tục trữ vàng và nhu cầu tìm đến kim loại quý này như một "nơi trú ẩn an toàn" gia tăng. 
Hôm qua, Bộ Lao động Mỹ cho hay, chỉ số tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 7 đã tăng 0,5% so với tháng 6, cao nhất trong 4 tháng, vượt xa con số dự báo 0,2% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg. Chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống và chi phí nhiên liệu, tăng 0,2%. 
Cùng ngày, theo một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 13/8, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục gia tăng 9.000 lên 408.000 người, mức cao nhất trong vòng một tháng qua. 
Thị trường bị tác động mạnh hơn sau thông tin từ Cục Dự trữ bang Philadelphia cho hay, chỉ số sản xuất khu vực Trung - Atlantic trong tháng 8 đã giảm xuống âm 30,7 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Thêm vào đó, doanh số bán nhà đã qua sử dụng giảm 3,5% trong tháng 7, xuống thấp nhất trong 8 tháng. 
Trong một diễn biến khác, phát biểu mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Dallas, ông Richard Fisher cho rằng, sở dĩ nền kinh tế Mỹ rơi vào cảnh khó khăn là bởi những sai lầm trong quản lý tài chính. 
“Tôi cho rằng yếu tố đang kìm hãm nền kinh tế không phải là chính sách tiền tệ lỏng lẻo mà là sự quản lý tài chính sai lầm tại Washington. Các cơ quan tài chính Mỹ phải xử lý các vấn đề nợ nần và thâm hụt, nếu không các doanh nghiệp sẽ chuyển kinh doanh ra nước ngoài" - ông Fisher cho biết. 
Theo ông, mối lo ngại lớn nhất không phải là nguy cơ chính sách lỏng lẻo khiến giá cả leo thang cao hơn mà là khả năng thanh khoản do FED tạo ra vẫn “đứng ngoài cuộc” khi các doanh nghiệp và các hộ gia đình trì hoãn chi tiêu trong bối cảnh bất ổn của chính sách pháp luật và thuế. 
FED đã giữ tỷ lệ lãi suất ở gần mức 0 kể từ tháng 12/2008 và mua 2,3 nghìn tỷ chứng khoán dài hạn để hỗ trợ nền kinh tế này nhưng vấn đề tạo công ăn việc làm vẫn còn yếu kém và quá trình hồi phục vẫn mong manh. 
Trong khi đó, tại châu Âu, cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Đức hồi đầu tuần đã không thể xoa dịu những lo sợ về khả năng khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục lan rộng. Những đề xuất của hai cường quốc này được các quốc gia thành viên trong Eurozone đón nhận khá lạnh nhạt. 
Nói một cách khác, Pháp và Đức đã thất bại trong việc thuyết phục nhà đầu tư rằng cuộc khủng hoảng nợ của khu vực có thể sớm được giải quyết. 
Liên quan tới nền kinh tế Trung Quốc, hôm qua, Deutsche Bank AG hạ dự báo triển vọng kinh tế 2011 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 9,1% xuống 8,9%. Morgan Stanley tuy vẫn giữ nguyên dự báo GDP năm 2011 của Trung Quốc nhưng hạ triển vọng năm tới xuống 8,7%. 
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chen Deming cho biết, tăng trưởng thương mại của nước này sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2011 và thắt chặt tài chính ở các nước phương Tây khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia này sụt giảm. 
Cũng tại châu Á, hôm qua, những đồn đoán cho rằng Tokyo sẽ lại can thiệp vào thị trường ngoại hối đã gia tăng, sau khi các quan chức của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã có cuộc họp thảo luận về đà tăng giá của đồng Yên. 
Các nhà kinh tế cảnh báo nếu đồng Yên vẫn tiếp tục giữ ở mức cao kỷ lục so với đồng USD, điều đó sẽ tác động xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu và đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản có thể sẽ chậm lại. Hôm qua, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật xuống thấp nhất kể từ ngày 15/3.
 
Theo Vneconomy

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Lạm phát Việt Nam cao nhất châu Á



* Đề nghị làm rõ chất lượng bộ máy điều hành
TT - Bàn về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng lạm phát ở VN đang cao nhất châu Á, nhì thế giới. Trong khi đó, các đại biểu Quốc hội khác cũng đề nghị làm rõ chất lượng bộ máy điều hành.
Sáng 4-8, Quốc hội (QH) họp ở tổ bàn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2011. Nhiều đại biểu đã đề nghị làm rõ trách nhiệm và chất lượng bộ máy khi để những chỉ số vĩ mô không đúng mục tiêu.
Điều hành họp tổ ở đoàn đại biểu QH Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội) đề nghị làm rõ tại sao lạm phát của VN cao đến bất ngờ so với thế giới.
Theo ông Nghị, lạm phát ở VN đang ở mức nhất châu Á, nhì thế giới, chỉ sau Venezuela.
Ông Phạm Quang Nghị - Ảnh: V.V.Thành
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tiền tệ là nhân tố tác động đến lạm phát, do đó chính sách tiền tệ cần chặt chẽ và thận trọng - Ảnh: Việt Dũng. Biểu đồ chỉ tiêu lạm phát năm 2011 qua các lần điều chỉnh và lạm phát thực tế trong bảy tháng đầu năm 2011 - Đồ họa: NHƯ KHANH
Thực hiện “có vấn đề”
Ông Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nêu số liệu cụ thể trung bình suốt năm năm vừa qua lạm phát của VN ở mức hai con số, so với cuối năm 2010 thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2011 tăng 14,61% và tăng 22,16% nếu so với cùng kỳ năm trước. Trong khi hiện nay Trung Quốc lạm phát 6,4%, Thái Lan 4%, Indonesia 5,5%, Philippines 4,7%... Ông Ngân cho rằng: “Tiền tệ là nhân tố tác động đến lạm phát, do đó chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng là đúng hướng, vấn đề là bố trí nguồn tiền đi đúng hướng vào sản xuất kinh doanh”.
Bà Bùi Thị An (Hà Nội) phản ảnh việc kiềm chế lạm phát đúng về chủ trương nhưng quá trình thực hiện “có vấn đề” nên hiệu quả chưa thật tốt. Việc cắt giảm, đình hoãn đầu tư công chưa thật sự hiệu quả. Việc tăng giá hiện nay rất bức xúc nhưng theo bà An, các đội quản lý thị trường không kiểm tra tại các nơi bán lẻ thật sự và kiểm tra không thường xuyên. Bà An đề nghị phải kiểm soát giá từ gốc là khâu nhập khẩu, khâu sản xuất.
Ông Lê Thanh Hải (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM) nêu vấn đề nghị quyết Đại hội XI của Đảng đặt ra công việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nhưng ở đây chưa có giải pháp nào rõ trong khi thời gian qua rất nhanh. Ông Hải đề cập một giải pháp là dành khoản tiền để ưu đãi đầu tư phù hợp với hội nhập quốc tế, cụ thể như bù lãi suất cho các ngành công nghiệp cần thiết phát triển, ví dụ như công nghiệp phụ trợ. Đồng thời phải có chính sách đủ mạnh để thu hút chất xám và công nghệ cao.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải thảo luận tại tổ Ảnh: V.D.
Chế tài các ngân hàng vi phạm trần lãi suất huy động
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng Chính phủ đã có cố gắng trong điều hành chống lạm phát nhưng khó khăn vẫn hiển hiện, nhất là lãi suất. Trả lời câu hỏi “lãi suất cao thế thì ai vay?”, là chủ tịch Tập đoàn Đầu tư phát triển VN, bà Hường khẳng định: “Cao thế tôi cũng không dám vay”. Theo bà Hường, khu vực ngân hàng cần minh bạch nhất nhưng hiện nay tính minh bạch đã bị phá vỡ do kiểu lãi suất thỏa thuận ngầm.
Bà Võ Thị Dung (đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Cần có thông điệp về biển Đông
Về tình hình biển Đông, các vị lãnh đạo cấp cao của chúng ta đã có thông điệp nhưng cần có giải pháp cụ thể vì đây là vấn đề thiêng liêng. Nhân dân mong muốn hành động quyết liệt hơn nữa. Trong kỳ họp này, nghị quyết của Quốc hội cần có thông điệp về vấn đề này để khẳng định niềm tin trong nhân dân và để có sự đồng thuận.
Ông Trần Hoàng Ngân nói Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về trần lãi suất huy động 14% nhưng nhiều ngân hàng thương mại vi phạm, do vậy “mong rằng tân thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra và có chế tài theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu lãi suất huy động kéo về 14% thì lãi suất cho vay 17-18% là hợp lý”.
Đại biểu Phạm Huy Hùng, chủ tịch Ngân hàng TMCP Công thương, khẳng định đang có lo ngại đổ vỡ thị trường bất động sản và điều này sẽ tác động dây chuyền đến ngân hàng. Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng nợ bất động sản quá lớn và đang nằm “chết” một thời gian dài, như vậy Chính phủ cần nhìn thẳng vào vấn đề này để có giải pháp.
Xem lại chất lượng bộ máy
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp, nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay đang phản ánh chất lượng bộ máy nhà nước điều hành nó.
Ông Quyền cho rằng vấn đề chất lượng bộ máy phải được báo cáo đánh giá hằng năm một cách nghiêm túc cùng với các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. “Chính phủ đã tổng kết đánh giá nhiệm kỳ, chỉ ra nhiều căn bệnh của nền hành chính. Nhưng làm gì để xử lý thì báo cáo kinh tế - xã hội không thấy nêu” - ông Quyền trăn trở.
Liên tiếp đặt câu hỏi “có chỉ thị về lãi suất nhưng lãi suất đi đêm vẫn diễn ra mà chả có biện pháp gì. Điều hành vĩ mô như thế là thế nào?”, ông Quyền cho biết: “Rất buồn vì những căn bệnh hành chính chưa được sửa đang ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội”. Ông Quyền đề nghị cần đánh giá nghiêm túc bộ máy điều hành kinh tế - xã hội, nhất là điều hành kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) cho rằng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ vẫn cần phân tích sâu hơn nguyên nhân của những tồn tại. Tăng chỉ số giá tiêu dùng là tồn tại lớn nhất, ảnh hưởng tới đời sống người dân nên cần đặc biệt phân tích sâu hơn. Bà Hường đề nghị thời gian tới Chính phủ cần quan tâm hơn đến đời sống người dân: “Ta còn 3 triệu hộ nghèo, con số này sẽ tăng với tình hình hiện nay”. Đồng thời phải xem lại các quỹ bình ổn giá vì “không hiểu nó có thực bình ổn giá được không mà đôi khi sử dụng quỹ rồi nhưng giá ở nơi bình ổn còn cao hơn bên ngoài”. Theo bà Hường, phải hỗ trợ sản xuất để giảm giá thành đầu vào chứ quỹ bình ổn giá chỉ ở phần ngọn.
Phải có luật về quản lý các tập đoàn
Vẫn trăn trở sau vụ Vinashin vì cho thấy có lỗ hổng lớn về khung pháp lý, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng hiện đang trong giai đoạn thí điểm lập các tập đoàn nên khung pháp lý rất lỏng, không phải do QH quy định. “Đã thí điểm năm năm, đã đến lúc phải xem xét được gì, mất gì. Phải có luật điều chỉnh chứ không thể thí điểm mãi” - ông Quyền nói vì khẳng định “đã nhận được thông tin từ ủy ban Kiểm tra trung ương cho thấy ngay trong những tập đoàn như Dầu khí, Điện lực cũng có những đơn vị thành viên có triệu chứng như Vinashin”.
CẦM VĂN KÌNH - VÕ VĂN THÀNH
Ông Trần Thanh Hải (phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM):
Đề nghị miễn thuế cho công nhân đến hết năm 2012
Các giải pháp về thuế, trong đó có việc miễn thuế thu nhập cá nhân, như tờ trình của Chính phủ là cần thiết, nhưng chúng tôi vẫn hết sức băn khoăn vì việc miễn thuế thu nhập cá nhân cho đối tượng có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh chỉ dự kiến được thực hiện từ ngày 1-8-2011 đến 31-12-2011, nghĩa là trong hai quý cuối năm. Trong khi đó theo lộ trình xây dựng luật pháp, đến cuối năm 2012 mới xem xét điều chỉnh Luật thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy nếu các giải pháp về thuế được thông qua thì công nhân chỉ được miễn thuế từ nay đến hết năm 2011 và tiếp tục phải đóng thuế trong cả năm 2012. Chúng tôi đề nghị nên áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho công nhân trong cả năm 2012.
Tuổi trẻ Online